Vì có kinh nghiệm thực tế lâu năm ở nhiều lĩnh vực nên Lan đã có cơ hội làm việc tại một công ty khá lớn với mức lương hơn chục triệu một tháng. Ngày nào cô gái cũng đi sớm về muộn, tôn trọng cấp trên, hòa đồng với đồng nghiệp. Tuy nhiên, dù đã làm việc tại công ty gần 3 năm, nhưng Lan lại không hề thăng tiến mà vẫn giữ vị trí nhân viên bình thường, Gần đây, một nhân viên mới đến kém cô 5 tuổi, từng là thực tập sinh do cô training đã được thăng chức lên trưởng bộ phận Tiêu thụ. Lan mừng cho cậu em nhưng cũng tự thấy chạnh lòng cho chính mình.
Một lần, cô mới nói chuyện riêng với sếp:
“Thưa sếp, tôi đã từng đến trễ, về sớm hay bị kỷ luật bao giờ chưa?”.
Người sếp cấp cao trả lời đơn giản: “Không có”.
“Vậy công ty có thành kiến với tôi không?”. Người sếp lúc này hơi sững sờ một lúc rồi trả lời: “Dĩ nhiên là không.”
“Vì sao người có trình độ chuyên môn thấp hơn và vào sau tôi lại có thể được trọng dụng, mà tôi thì không hề có sự thăng tiến trong công việc?”
Người sếp im lặng một lúc rồi mỉm cười nói: “Việc của cô chúng ta sẽ đợi một lát sẽ bàn, hiện giờ tôi đang có một việc gấp cần xử lý, nếu không cô hãy giúp tôi xử lý việc này trước nhé. Chiều nay, đối tác bên Cung ứng là Central Food sẽ đến công ty để kiểm tra tình hình kinh doanh của chúng ta trước khi ký hợp đồng, cô hãy liên lạc với họ hỏi xem khi nào họ đến?”
“Vâng, thưa sếp. ”, bước ra đến cửa cô còn không quên quay lại cười với ông.
Sau 15 phút, cô quay trở lại văn phòng của Giám đốc
Giám đốc hỏi: “Cô đã liên hệ được với họ chưa?”
Cô trả lời: “Đã liên hệ được với họ rồi nhưng họ nói rằng ngày mai mới có thể qua”.
“Cụ thể là vào lúc nào ngày mai”
Cô gái ấp úng nói: “Cái này tôi chưa hỏi rõ”.
“Vậy có bao nhiêu người đến?”
“A! Giám đốc không nhắc tôi hỏi điều này?”
“Vậy họ đến đây bằng phương tiện gì?”
“Cái này ngài cũng không nhắc tôi hỏi!”
Giám đốc đã không nói gì nữa, mà thay vào đó gọi “hậu bối” của Lan vào, người giờ đây đã đứng đầu bộ phận. Nam đã nhận nhiệm vụ tương tự như của cô. Sau một lúc anh ấy đã quay lại.
Nam cho biết: “ Đối tác bên Central Food sẽ đáp máy bay vào 2 giờ chiều ngày mai, khoảng 5h chiều sẽ có mặt tại Đà Lạt. Họ có tổng cộng 5 người do trưởng phòng cung ứng ông Thế Nam dẫn đầu. Tôi đã báo họ là công ty sẽ cho người xuống sân bay để đón. Vì họ tới công ty sau giờ hành chính, nên tôi đã đặt bàn tại khách sạn Gold Valey để tiếp đãi họ vào buổi tối, đồng thời đặt phòng luôn tại khách sạn đó cho đoàn để họ nghỉ ngơi.”
“Ngoài ra, họ còn có kế hoạch nghiên cứu 2 ngày tại đây. Cụ thể về lịch trình thì sau khi đến đây hai bên sẽ bàn bạc để biết rõ hơn. Để tạo thuận lợi cho công việc, tôi đề xuất sắp xếp họ ở tại khách sạn Saigon Dalat cho gần công ty mình, nếu ngài đồng ý, ngày mai tôi sẽ đặt phòng trước.”
“Còn nữa, trong ngày mai dự báo thời tiết có mưa lớn, có thể chuyến bay sẽ ảnh hưởng hoặc dời lại thêm lần nữa, nên tôi sẽ giữ liên lạc với họ. Nếu kế hoạch thay đổi, tôi sẽ báo cáo lại cho ngài ngay”.
Sau khi Nam rời đi, ông chủ đã quay sang nói với Lan: “Bây giờ chúng ta hãy nói về câu hỏi của cô.”
“Không cần nữa ạ, tôi đã biết lý do, làm phiền sếp rồi.”
Cô chợt hiểu ra rằng, kinh nghiệm làm việc được ghi trên hồ sơ xin việc không chỉ đơn giản là làm tại một công ty bao nhiêu lâu, làm một công việc gì. Thời gian của mỗi người một ngày đều là 24h, xuất phát điểm của mọi người đều như nhau. Thế nhưng, Sự để tâm trong công việc là điều quyết định thành bại, thái độ và sự chủ động tạo nên sự tin tưởng với cấp trên. Bởi vậy, để trở thành một nhân sự không thể thay thế trong mắt xích của một doanh nghiệp lớn, ngoài những nền tảng cơ bản như kiến thức học ở Đại học, những kiến thức chuyên môn trau dồi được trong khi làm việc, chúng ta còn cần những yếu tố khác để được trọng dụng và thăng tiến.
Người Lãnh Đạo luôn nhìn vào kết quả và những giá trị thực để đánh giá về nhân sự. Mỗi người, đều cho rằng mình cố gắng như vậy là đủ. Thế nhưng thương trường là chiến trường, từ “đủ” trong hệ quy chiếu của nhân sự bình thường và một nhân sự giỏi có một khoảng cách rất lớn.
Bất kỳ công ty nào cũng quan tâm đến những nhân viên có thái độ chủ động và có trách nhiệm cao. Khi một nhân sự luôn đặt bản thân mình vào suy nghĩ và góc nhìn của một Lãnh Đạo, họ sẽ không bao giờ chờ được giao việc hay cảm thấy không có gì để làm. Họ sẽ luôn tự tìm hiểu những thứ mà họ nên làm, cần làm và hoàn thành tất cả những việc đó.
Mary Kay Ash – một nhà doanh nhân người Mỹ từng có câu: “Có 3 loại người trên thế giới này: Những người làm mọi thứ xảy ra, những người xem mọi thứ xảy ra và những người tự hỏi đã xảy ra chuyện gì”.
Câu nói này như một hồi chuông báo thức cho tất cả những nhân sự đã và đang làm việc trong một tổ chức về việc rèn luyện tính chủ động. Tính chủ động hay bất cứ kỹ năng gì đều có thể rèn luyện được, quan trọng là mình có muốn trở thành một Nhân sự giỏi và chiếm được niềm tin lớn từ Ban Lãnh Đạo hay không mà thôi.