Tháng 3/2022, dự án game NFT Axie Infinity bị hack 600 triệu USD. Hacker đã chiếm quyền kiểm soát cầu nối giữa Ethereum và Ronin Network, chuyển toàn bộ tiền của người dùng ra khỏi nền tảng.
Chỉ sau sự kiện trên 8 ngày, công ty chủ quản Sky Mavis đã thông báo gọi vốn thành công 150 triệu USD và cam kết đền bù mọi thiệt hại của vụ hack trước đó.
Khoan nói về vụ hack, làm thế nào họ có hơn 600 triệu USD đền bù cho người dùng?
Axie Infinity đã kiếm được 1.3 tỷ USD trong năm 2021, con số lớn đối với một doanh nghiệp trẻ đến từ Việt Nam, nhờ bán ra hàng trăm ngàn NFT. Tổng khối lượng giao dịch ghi nhận lên tới 4 tỷ USD.
Không chỉ có Axie, nhiều dự án NFT khác cũng phát triển mạnh mẽ và tiếp cận tới nhiều người.
Cũng chính vì sự phát triển nhanh ở thời kỳ đầu, NFT mắc kẹt giữa 2 luồng quan điểm: những người trực tiếp tạo ra NFT, hoặc hưởng lợi từ NFT xem đây như một mảnh ghép quan trọng của ngành. Trái lại, các phương tiện truyền thông đại chúng tập trung vào những case-study xấu để mô tả như đây là một trò lừa đảo gắn mác công nghệ và nghệ thuật.
Tuy nhiên, tranh cãi dường như chỉ khiến người ta biết về NFT nhiều hơn, thay vì đe dọa sự tồn tại của nó. NFT dần trở nên phổ biến và đi sâu vào văn hóa của công chúng. Theo báo cáo của Finder, 240 triệu người trên thế giới đã sở hữu NFT. Con số này ở Mỹ là 6.6 triệu người, ở Việt Nam là 6 triệu người.
Nhận thấy khả năng tiếp cận đáng kinh ngạc của NFT, tháng 3/2023, thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên. Họ gọi NFT của mình là “tem” bản giới hạn “The Siren Collection” và đã bán sạch sau khi list sàn.
Từ nhiều năm qua, Starbucks là bậc thầy về marketing và cũng không phải là tay mơ trong game tài chính. Họ không dại đặt một thương hiệu được định giá 53 tỷ USD vào NFT, nếu nó là một trò “SCAM”.
Tương tự, các thương hiệu lớn cũng bắt đầu có cho mình bộ NFT riêng. Trong đó có Adidas, Nike, Tiffany, Gucci, Budweiser, McLaren…
Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu NFT. Nếu bạn đã đọc đến đây, có thể bạn đang có câu hỏi: Làm thế nào để các dự án NFT tạo ra lợi nhuận?
Ngày 5/3/2021, cựu CEO Jack Dorsey của Twitter thông báo sẽ rao bán Tweet đầu tiên của nền tảng twitter dưới dạng NFT. Đây là NFT độc nhất kỷ niệm dòng trạng thái đầu tiên được đăng tải trên twitter – 15 năm tuổi.
NFT này sau đó đã được bán với giá 2.8 triệu USD.
Sự nổi lên của hoạt động sưu tầm NFT tiếp tục đạt đỉnh điểm khi một NFT được bán với giá lên đến 69 triệu USD. Đó là một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của nghệ sĩ Beeple.
Điều này đã truyền cảm hứng tới rất nhiều studio và nghệ sĩ.
NFT với đặc tính không thể thay thế và độc nhất là giải pháp tuyệt vời cho các sản phẩm kỹ thuật số. Và điều đó không chỉ tác động mạnh đến giới sưu tầm, những người nổi tiếng, hãng phim… mà còn cả những nhà đầu cơ crypto.
Điều đầu tiên tạo ra giá trị của NFT là chúng không thể sao chép. Sự độc nhất này được tạo ra bởi hệ thống blockchain. Mọi giao dịch đều có thể truy ngược lại và xác định được NFT đó có phải bản gốc hay không.
Nói cách khác, NFT không thể được sở hữu bởi nhiều tài khoản hoặc ví. Tại một thời điểm, chỉ một tài khoản hoặc ví có thể yêu cầu quyền sở hữu NFT, quyền này sẽ thay đổi sau khi giao dịch mua được thực hiện.
Một tầm quan trọng khác của NFT là chúng cung cấp phương tiện để các nhà sáng tạo bán tác phẩm nghệ thuật trên quy mô toàn cầu, tránh bị giả mạo.
NFT đã đi một chặng đường dài để tạo ra một lối đi riêng bằng cách không chỉ bán tác phẩm nghệ thuật mà còn đi sâu vào các khía cạnh khác của crypto, thể thao, âm nhạc và thậm chí là bất động sản.
Mỗi hình thái khác nhau, NFT lại có cách khác nhau để trích xuất giá trị, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Một số chuyên gia lý giải sự bùng nổ của NFT bắt nguồn từ chính thời đại mới. Khi mạng xã hội lên ngôi, thời gian phần lớn con người dành cho Internet. Khi đó, tài sản số hay các sản phẩm kỹ thuật số (digital product) trở thành đồ sưu tầm đáng giá của cộng đồng.
Một bức tranh NFT dễ dàng được mua và “khoe” trên mạng xã hội hơn bất kỳ món đồ nào khác. Và đó chính là xu hướng mới của cộng đồng.
Chính vì vậy, NFT xác định được vai trò chính xác của mình trong cả mắt cộng đồng lẫn tổ chức.
Năm 2021, Yuga Labs ra mắt bộ sưu tập NFT BAYC – lấy hình ảnh những chú khỉ làm nhân vật chính. Bộ sưu tập này bao gồm 10,000 bản NFT khác nhau. Sự kiện mint NFT đó đã giúp công ty này thu về 2 triệu USD.
Tháng 3/2022, giá của bộ NFT này tăng giá hơn 1,800 lần, từ 0.08 ETH lên đến 150 ETH (khoảng 1 tỷ đồng VN).
Cùng thời điểm đó, Yuga Labs thông báo gọi vốn thành công 450 triệu USD từ a16z, Animoca Brands. Yuga Labs trở thành công ty NFT lớn nhất thế giới với định giá 4 tỷ USD chỉ sau 1 năm hoạt động.
Sau đó công ty này liên tiếp ra mắt những bộ sưu tập NFT khác: TwelveFold, Otherside, MAYC,…
Một trong những bộ sưu tập mới thành công nhất của dự án là Otherdeed for Otherside. 100,000 NFT được bán sạch ngay sau khi mở bán. Otherside đã mang về 300 triệu USD doanh thu trong khi chi phí ước tính chỉ khoảng 4.6 triệu USD.
Có thể thấy, nhu cầu sở hữu NFT ngày càng lớn trong cộng đồng những người yêu thích tiền điện tử. Họ sưu tầm những bộ NFT nổi tiếng dù có đến hàng trăm ngàn phiên bản. Tính độc nhất không phải yếu tố quyết định giá trị của NFT. Giá trị của NFT nằm ở cộng đồng.
Các bộ sưu tập lớn với hàng ngàn độc bản khác nhau có thể cần thời gian và chi phí lớn hơn. Tuy nhiên sự ra đời của các công cụ hỗ trợ về thiết kế, sáng tạo như AI đang góp phần làm NFT phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
Việc tạo ra NFT cũng rất dễ dàng khi có công cụ, smart contract hỗ trợ. Bất kỳ ai cũng có thể phát hành và mở bán NFT của riêng mình.
Hoạ sĩ Xèo Chu, 14 tuổi, sống tại TP.HCM, đã kiếm được 22,899 USD (527 triệu đồng) từ bức tranh NFT của mình. Bức tranh NFT có tên Hoa mai may mắn của Xèo Chu được đấu giá trên sàn giao dịch Binance. Theo đại diện Binance, đây là bức tranh có giá cao nhất đến từ Việt Nam trên sàn NFT này.
Việc kinh doanh với NFT chưa dừng lại ở đó. Nguồn doanh thu từ thị trường thứ cấp là một con số khổng lồ.
Bộ sưu tập BAYC được nhắc đến ở trên dù chỉ mang về 2 triệu USD doanh thu sau khi mở bán, nhưng đã giúp Yuga Labs kiếm thêm hơn 50 triệu USD tiền bản quyền. Số tiền này đến từ 2.5% phí bản quyền trên OpenSea. BAYC đã thu hút 2 tỷ USD khối lượng giao dịch trong những năm qua.
Cần lưu ý thêm, chính OpenSea cũng thu đến 2.5% phí giao dịch. Tức sàn giao dịch cũng thu về một nguồn doanh thu vô cùng lớn.
Blockchain cung cấp giải pháp mạnh mẽ về công nghệ. Giúp nhà sáng tạo dễ dàng thu phí bản quyền trên mỗi giao dịch được thực hiện. Có thể là 2%, 5%, 10%. Mỗi giao dịch NFT được thực hiện, nhà sáng tạo thu về một khoản tiền.
Tuy nhiên vẫn có nhiều cách để “lách luật” phí bản quyền. Các NFT có giá trị cao, tiền phí bản quyền là không hề nhỏ. Nhu cầu cho loại hình giao dịch “ngoài luồng“ P2P và OTC gia tăng.
Để khuyến khích người dùng giao dịch trực tiếp, đã có nhiều biện pháp được áp dụng bởi dự án như có incentive cho người dùng trả đủ royalties, hoặc hạn chế tính năng với những người giao dịch P2P, OTC. Hay thậm chí là xây dựng một blockchain riêng để quản trị.
Điều đó lý giải cho con số 1.3 tỷ USD doanh thu mà tựa game Axie Infinity kiếm được trong năm 2021. Họ xây dựng blockchain riêng, NFT Marketplace riêng và thu 4.5% cho mỗi giao dịch.
Phí bản quyền và giao dịch là nguồn thu nhập thụ động bền vững và lâu dài.
Royalties fee – hay tiền bản quyền chính là điểm khiến NFT khác biệt so với các sản phẩm số khác.
Khả năng lan truyền của NFT thực sự đáng kinh ngạc. Loại token “sưu tầm” này đã tiếp cận đến hàng trăm triệu người trong vài năm qua. Những người nổi tiếng, những đội bóng, ca sĩ… cũng tham gia vào trào lưu này.
Trong chuyến lưu diễn toàn cầu năm 2022, The Weeknd đã hợp tác cùng Binance mang NFT và thế giới web3 đến với những người hâm mộ.
Tham gia buổi hòa nhạc, mọi người có thể nhận NFT lưu niệm của The Weeknd. Những token này giúp cộng đồng có một phiên bản sưu tầm kỹ thuật số, và cũng là bằng chứng về việc tham dự chuyến lưu diễn.
Về cơ bản, đó là phiên bản thế kỷ 21 của việc lưu giữ poster hoặc vé tham dự của buổi hòa nhạc làm kỷ niệm. Đây cũng có thể là cách giới thiệu thú vị và dễ dàng về Web3 và công nghệ blockchain, đồng thời mở khóa quyền truy cập độc quyền vào nhiều thông tin khác của The Weeknd!
Nhận thấy sức hút lớn từ NFT, những thương hiệu lớn cũng không muốn nằm ngoài cuộc.
Adidas được cho là đã huy động được khoảng 22 triệu USD từ lần bán NFT đầu tiên, có tên là ‘Into the Metaverse’. Công ty đã bán 29,620 NFT, với giá 0.2 Ethereum cho mỗi người dùng truy cập sớm.
Không chỉ có Adidas, từ hãng thời trang xa xỉ Louis Vuitton đến chuỗi thức ăn nhanh Taco Bell, từ cựu tổng thống D.Trump tới chuỗi cửa hàng cafe Starbucks… tất cả đã phát hành NFT để tận dụng thị trường xung quanh nghệ thuật kỹ thuật số và đồ sưu tầm.
Ở đây, NFT không đơn thuần là đồ sưu tầm, đó với doanh nghiệp đó chính là một chiến lược marketing.
Starbucks cho rằng bộ sưu tập NFT Starbucks Odyssey là một cách để những khách hàng thân thiết nhất của mình kiếm được nhiều phần thưởng hơn, giúp trải nghiệm mua sắm trở nên thú vị.
Những đặc quyền từ việc sở hữu NFT này vượt xa những ưu đãi trước đây từ Starbucks Rewards. Trong đó, có lớp học pha cà phê espresso ảo hoặc quyền truy cập vào các sản phẩm độc đáo và sự hợp tác của nghệ sĩ.
Nhiều người ví NFT giống với meme coin, một nét văn hoá của cộng đồng. Rõ ràng nét văn hoá này càng lúc càng in sâu vào đại chúng. Trở thành một điều hiển nhiên và không cần công nhận.
Marketing bằng NFT dần thay đổi từ bán NFT sang tặng miễn phí. Các doanh nghiệp crypto đã tận dụng chiến lược “Free Mint” khá hiệu quả.
Đầu 2023, Base Blockchain cho ra mắt bộ NFT đánh dấu sự xuất hiện của mình trong cơn sốt layer 2. Chỉ trong 1 tháng, hơn 400,000 NFT Base, Introduced được mint. Những hình ảnh về Base xuất hiện trên khắp các cộng đồng Crypto.
Chỉ với một hình ảnh đơn giản, họ đã khiến cộng đồng ghi nhớ về sản phẩm mới của công ty, đồng thời lan truyền thông điệp tới nhiều người. Quả là một chiến dịch marketing 0 đồng hiệu quả.
Đây không phải một sự may mắn. Rõ ràng Coinbase hiểu rất rõ insights của người dùng về xu hướng airdrop trên Layer 2. Mọi người mint NFT của Base để ghi “dấu chân” của mình trên Base, trở thành khách hàng thân thiết của Base từ giai đoạn sớm, hy vọng nhận được những ưu đãi – retroactive trong tương lai.
Cần nói thêm rằng dù mint NFT miễn phí, nhưng người dùng cũng tốn hàng triệu USD trả phí giao dịch cho 400,000 NFT này. Cộng đồng vẫn luôn sẵn sàng trả tiền để có được một cơ hội với NFT. Và sự thành công của Base không phải ngẫu nhiên mà có.
Cùng với sự phát triển đa dạng của NFT, nhiều dự án lại có thêm những cách thức phát triển mới và một mô hình kinh doanh mới.
Hiện đã có hơn 10 mảng khác nhau về NFT. Hàng ngàn bộ sưu tập NFTs mới ra đời trên các blockchain khác nhau. Muôn hình muôn vẻ, muôn vàn cách tạo ra lợi nhuận với NFT. Đó có thể đó là mô hình sưu tầm, giống như tem, tranh ảnh. Đó có thể là những thẻ bài trong cộng đồng nào đó. Đó cũng có thể là một dạng tài sản trí tuệ, được thu phí bản quyền, hay cũng có thể là một chương trình ưu đãi khách hàng. Dù đó là gì, cũng đều cho thấy chúng ta đang ngày càng nghĩ ra nhiều cách ứng dụng và kiếm lợi nhuận từ NFT.
Nếu bạn vào Google và gõ “NFT will change the way…”, kết quả trả về sẽ là hàng trăm, hàng ngàn bài viết về cách NFT len lỏi vào nhiều lĩnh vực và tạo ra sự thay đổi. Có thể bạn cho rằng NFT chưa chạm vào cuộc sống của bạn, nhưng hãy nhớ rằng thương hiệu ly cà phê Starbucks mà bạn đang cầm trên tay mỗi sáng, hay đôi giày thể thao Adidas bạn vừa mua, đều đã đến với thế giới của NFT.
Nguồn : coin98