Liquid Staking Derivatives là mảng quan trọng với TVL đứng thứ 3 trong thị trường DeFi. Hiện tại đang có hơn 60+ dự án LSDs hoạt động, nổi bật nhất là Lido Finance, RocketPool,… Bài viết dưới đây là cung cấp thông tin tổng quan cũng như tiêu chí để người dùng đánh giá các dự án LSDs phù hợp.
Liquid Staking Derivatives (LSD) là gì?
Liquid Staking Derivatives là giao thức cho phép người dùng stake các blockchain coin để tạo ra các tài sản tổng hợp (synthetic assets) đại diện cho số lượng và giá trị đồng coin đã stake trên các Proof of Stake blockchain.
Đây là mảng nằm trong Derivatives (Phái sinh). Chúng cho phép nhà đầu tư giao dịch nhiều sản phẩm dựa trên giá cả mà không cần sở hữu sản phẩm đó.
Các Liquid Staking Derivatives Protocol sẽ mở khoá tài sản đang stake thành các tài sản tổng hợp. Từ đó người dùng có thể mua & bán hoặc tham gia vào các hoạt động khác trong thị trường DeFi.
Ví dụ: Lido Finance cho phép người dùng stake ETH và nhận lại stETH. Ngoài nhận được staking reward từ số ETH đã stake, người dùng có có thể sử dụng stETH trong các DeFi protocol khác để kiếm thêm lợi nhuận như cho vay trên Aave, tham gia liquidity mining (cung cấp thanh khoản) trên các AMM.
Vì sao Liquid Staking Derivatives phát triển mạnh?
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu về cơ chế đồng thuận PoW và PoS.
Proof of Work là cơ chế đồng thuận yêu cầu các validator phải có những máy đào mạnh để tranh giành quyền xác thực block và không cần phải nắm giữ đồng coin của blockchain đó. Việc vận hành máy đào tốn kém về chi phí và cũng tiêu hao tài nguyên khác như tiền điện. Số lượng coin được đào ra thì bị bán đi để duy trì chi phí hoạt động của các xưởng đào.
Trong khi đó các Proof of Stake blockchain không yêu cần vận hành phức tạp mà chỉ yêu cầu các Validator stake một số lượng coin trên mạng lưới. Nếu như họ gian lận, họ sẽ bị phạt và trừ thẳng vào số lượng đồng coin đã stake. Điều này giúp các validator luôn giữ tính trung thực với mạng lưới và giúp giảm số lượng coin lưu thông trên thị trường.
PoS cũng được chứng minh có nhiều ưu điểm so với PoW, bao gồm thời gian tạo block nhanh hơn, chi phí hoạt động thấp hơn, thông lượng cao hơn và tác động sinh thái thấp hơn,…
Vì vậy, kể từ năm 2020 trở đi, ngày càng có nhiều PoS blockchain ra đời và đây cũng là yếu tố then chốt giúp cho mảng Liquid Staking Derivatives phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai vì chúng chỉ hoạt động trên các PoS blockchain mà không hoạt động trên PoW blockchain.
Ethereum là một trong những ví dụ tiêu biểu của blockchain chuyển từ PoW sang PoS. Tính đến nay, Ether (ETH) cũng là tài sản có vốn hoá cao nhất được stake ở các Liquid Staking Derivatives Protocol.
Lợi ích của Liquid Staking Derivatives
Lợi ích cho các bên tham gia
Liquid Staking Derivatives Protocol cung cấp sản phẩm mạng lại lợi ích cho nhiều bên, bao gồm:
- Người dùng: giúp người dùng có thể kiếm thêm lợi nhuận từ cả hai nguồn: block reward + incentive từ DeFi Protocol ⇒ Tăng hiệu quả sử dụng vốn.
- Mạng lưới Blockchain: Khi nhiều người dùng staking token vào Liquid Staking Derivatives Protocol, đồng nghĩa với việc gia nhập mạng lưới chung, gián tiếp gia tăng bảo mật mạng và giúp mạng phân quyền hơn.
- Node Operator: Nhận về một phần phí khi hỗ trợ staker vận hành phần cứng, phần mềm để stake coin trên mạng lưới.
- Các dự án phát triển trên mạng lưới: Người dùng sử dụng các token từ Liquid Staking Derivatives Protocol làm tăng TVL & khối lượng giao dịch cho các dự án đó.
- Token holder của các dự án Liquid Staking Derivatives được chia sẻ doanh thu và tham gia vào việc quản trị (Governance) của dự án.
⇒ Khi nhu cầu sử dụng của người dùng tăng thì ích lợi cho các bên liên quan cũng gia tăng, tạo hiệu ứng mạng tích cực (positive network effect).
Lợi ích đối với token holder
Khi đầu tư và nắm giữa token của các dự án Liquid Staking Derivatives, holder thường sẽ có 2 quyền lợi, bao gồm chia sẻ doanh thu và quyền quản trị.
- Governance – Tham gia quản trị hệ sinh thái của dự án Liquid Staking Derivatives.
Governance là tính năng cơ bản và gần như có mặt ở tất cả các DeFi Protocol hiện nay. Đây là tính năng cho phép holder có thể đề xuất hoặc biểu quyết trên các đề xuất để tác động lên quá trình hoạt động của các dự án.
Đối với builder hoặc các investor lớn, đây là quyền lợi quan trọng để họ có thể mang lại quyền lợi cho mình hoặc đưa ra những thay đổi tích cực cho dự án. Tuy nhiên, đối với các trader holder nhỏ thì Governance không mang lại nhiều giá trị.
- Chia sẻ doanh thu của protocol.
Đa phần các dự án Liquid Staking Derivatives tính protocol fee bằng cách tính một phần phí trên lợi nhuận mà người dùng thu được, đây là một cách tính hợp lý dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Dự án có thể chia sẻ tất cả hoặc một phần phí protocol cho token holder hoặc stakers bằng nhiều công thức khác nhau.
Ví dụ: Người dùng stake 1,000 ETH vào Lido với APR là 9%. Sau một năm, người đó rút vốn ra khỏi Lido (hiện Lido đang tính phí protocol là 10%) thì họ sẽ nhận lại vốn cộng với lợi nhuận từ block reward, tương đương:
1,000 + 1,000*9%*90% = 1081 ETH
Về phía Lido, dự án nhận lại protocol fee:
1,000*9%*10% = 9 ETH
Thử tính doanh thu hiện tại của Lido trên mạng Ethereum với số ETH được gửi trị giá khoảng 5.7 tỷ USD với APR là 9% (giả sử TVL & APR không thay đổi) thì phí protocol mà Lido thu được hàng năm sẽ là 51.3 triệu USD.
Tuy nhiên, Lido Finance không chia sẻ doanh thu cho token holder, thay vào đó 10% phí Protocol thì 5% được chuyển cho Node Operator, 5% còn lại sẽ dành cho Treasury để phát triển tiếp. Vì vậy, LDO token holder gần như không nhận được quyền lợi trực tiếp từ token.
Rủi ro đối liên quan đến Liquid Staking Derivatives
Rủi ro của Liquid Staking token
- Đối với Protocol: Nếu như các Lending Protocol dễ dàng gặp phải nợ xấu thì Liquid Staking Derivatives gần như không chịu rủi ro nào nếu như họ không gặp các vấn đề về bảo mật trong DeFi.
- Đối với người dùng (staker): Họ sẽ chịu một số rủi ro nhất định liên quan đến Liquid Staking Derivatives Asset. Ví dụ như stETH, rETH, ankrETH,… Đây là trường hợp thường xuyên xảy ra vì tính thanh khoản của các token này thường khá thấp. Nếu như bị bán với khối lượng lớn trong thời gian ngắn, chúng sẽ bị de-peg.
Ví dụ: Vào 6/2022, khi thị trường trong Crypto đang trong đà giảm mạnh. Để giảm vị thế rủi ro với các tài sản có thanh khoản kém trong đó có stETH là một Liquid Staking Derivatives token, Alameda đã bán phần lớn và chấp nhận lỗ ít để đổi stETH lấy ETH trên Curve Finance. Tuy nhiên, vì khối lượng bán của Alameda Research quá lớn, chúng đã khiến tỉ giá của stETH/ETH chỉ còn 0.94 thay vì 1 như bình thường.
Token được đề cập phía trên là stETH – Liquid token tạo ra bởi Lido Finance, chúng đang có vốn hoá khoảng 5 tỷ USD với trading volume 24h là 26 triệu USD. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều token khác như ankrETH với vốn hoá 50 triệu USD và trading volume 24h chỉ đạt mức 100 nghìn USD. Điều này sẽ để lại rủi ro khá cao cho người dùng nếu token bị de-peg.
Ngoài ra, nếu như Liquid Staking Derivatives token được sử dụng ở nhiều nơi khác trong DeFi, chúng có thể để lại rủi ro dây chuyền. Ví dụ: Khi bạn thế chấp stETH trên Aave để vay tài sản khác. Nếu như stETH giảm giá đột ngột, vị thế vay của bạn sẽ gặp nguy hiểm, Lending Protocol cũng có rủi ro bị nợ xấu.
Có rủi ro bị de-peg và sụp đổ như UST không?
Đây là câu hỏi nhiều Staker quan tâm vì rủi ro de-peg đã và đang hiện diện trước mắt họ. Tuy nhiên, để biết được chúng có bị sụp đổ như UST hay không, chúng ta cần hiểu về cơ chế và nguyên nhân khiến UST sụp đổ.
UST là một Algorithmic Stablecoin được backed bởi giá trị của LUNA với tỉ lệ 1:1. Điều này đồng nghĩa với việc UST là một Full-backed Stablecoin nếu như vốn hoá của LUNA cao hơn vốn hoá của UST.
Tuy nhiên, khi thị trường Downtrend khiến giá LUNA giảm mạnh, UST bị lâm vào trạng thái không đủ tài sản bảo trợ. Khi đó, holder bị mất niềm tin cộng với lực bán lớn tháo khiến cả UST và LUNA sụp đổ.
Như vậy, UST de-peg và sự sụp đổ của chúng đến từ rủi ro không đủ tài sản đảm bảo. Còn đối với Liquid Staking Token, de-peg là vấn đề thường xuyên xảy ra do thanh khoản thấp. Tuy nhiên, chúng sẽ không bị sụp đổ vì chúng có tài sản đảm bảo rõ ràng được khoá ở Smart Contract.
Đối với các bạn đã stake và nắm giữ Liquid Staking Token, các bạn không nên bán tháo nếu chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân. Nếu như bán đi Liquid Staking token, điều này đồng nghĩa bạn cũng đã bán đi khoản token được stake cộng với phần lãi được cộng theo thời gian.
Riêng trường hợp của Alameda Research, hộ buộc phải bán stETH vì staking ETH cho là stake 1 chiều (mạng lưới Ethereum chỉ cho phép rút ETH khi đợt nâng cấp Shanghai diễn ra).
Các dự án Liquid Staking Derivatives nổi bật
Theo thống kê của DefiLlama tính đến tháng 2/2023, trên thị trường đang có hơn 60 dự án DeFi Liquid Staking Derivatives khác nhau. Dưới đây là 4 dự án nổi bật mà các bạn có thể tham gia.
Lido Finance
Lido được xem là Liquid Staking Derivatives Protocol phát triển mạnh mẽ nhất trên thị trường DeFi và có TVL áp đảo so với các dự án còn lại. Lido đã hỗ trợ 5 mạng lưới là Ethereum, Solana, Polygon, Polkadot và Kusama. Trong tương lai, Lido Finance đang mở rộng sang các giải pháp Layer 2 như Optimism và Arbitrum.
Backer của Lido Finance là a16z, Coinbase, Paradigm, Dragonfly,…
Một trong những lý do khiến Lido Finance phát triển mạnh là nhờ vào đối tác hùng mạnh chấp nhận sử dụng Synthetic token do họ tạo ra, đặc biệt là stETH. Hiện tại chúng được sử dụng trên Uniswap, Balancer, Curve, Convex,…
Rocket Pool
Rocket Pool là Defi Liquid Staking Derivatives lớn thứ 2 ở thị trường. Tuy nhiên, họ chỉ tập trung vào tài sản là ETH và chưa có kế hoạch hỗ trợ tài sản khác. Rocketpool có điểm đặc biệt là cho phép các Node Operator có thể bắt đầu với 16 ETH thay vì 32 ETH như các dự án khác.
Backers của Rocket Pool là ConsenSys Ventures, KR1.
Stader Labs
Stader Labs là mạng lưới Liquid Staking Derivatives hỗ trợ 7 mạng lưới bao gồm Ethereum, BNB Chain, Near, Terra 2.0, Fantom, Hedera, Polygon. Tron tương lai, họ sẽ mở rộng thêm Avalanche và Solana.
Backers của Stader Labs là Pantera, Coinbase, Jump Capital, Blockchain.com,…
Ankr Liquid Staking
Ban đầu, Ankr không phải là dự án Liquid Staking Derivatives mà là tổng hợp các công cụ dành cho các developer có thể phát triển sản phẩm trong thị trường DeFi. Sau này, Ankr mở rộng thêm nhiều mảng khác nhau như AppChain, Gaming SDK, API, Liquid Staking Derivatives,… thì mảng này mới chính thức ra đời.
Hiện tại, Ankr hỗ trợ 8 blockchain bao gồm Ankr, Gnosis, Ethereum, Polygon, BNB Chain, Fantom, Avalanche, Polkadot.
Backers của Ankr bao gồm Binance Labs, NGC Ventures, OK Blockchain Capital, JD Capital,…
Các dự án Liquid Staking Derivatives khác
Phía trên là các dự án Liquid Staking Derivatives hàng đầu thị trường và cũng hỗ trợ nhiều Blockchain Platform. Tuy nhiên, chúng không báo quát tất cả các PoS blockchain, vì vậy một số coin sẽ có dự án phát triển dành riêng cho chúng.
Ví dụ: Aptos sử dụng Tortuga, Near sử dụng Metapool, Algo sử dụng Algo Liquid Governance,… Các bạn có thể xem thêm ở trang DefiLlama để tìm các dự án Liquid Staking Derivatives phù hợp với đồng coin của mình.
Tiêu chí đánh giá các dự án Liquid Staking Derivatives
Đối với Staker
Trên thị trường đang có nhiều dự án Liquid Staking Derivatives, mỗi dự án cung cấp mức lãi suất khác nhau đối với cùng 1 loại tài sản. Tuy nhiên, không phải cứ lãi cao nhất là tốt nhất, thay vào đó staker nên cân bằng giữa rủi ro và phần thưởng khi tham gia vào các Protocol này.
- Total Value Lock (TVL): TVL là chỉ số thể hiện giá trị token được stake trong Protocol. TVL càng cao thể hiện quy mô của dự án trên thị trường càng lớn.
- APY & APR: Đây là con số thể hiện lãi suất của staker khi stake tài sản vào các Liquid Staking Derivatives Protocol và cũng phản ánh lợi nhuận mà holder nhận về sau khi đã trừ phí.
- Phí dịch vụ: Đây khoản phí tạo ra doanh thu cho các Liquid Staking Derivatives Protocol. Thông thường mức phí là 10% (Lido và Stader Labs áp dụng mức phí này) trên phần thưởng người dùng nhận được.
- Mức độ phổ cập & vốn hoá của Liquid Staking Derivatives token: Đây là yếu tố quan trọng giúp token giảm rủi ro bị depeg cũng như giúp bạn có thêm cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở nhiều Protocol khác nhau.
Ví dụ: Trong bảng so sánh phía trên, Lido Finance có reward thấp hơn so với StakeWise hoặc Frax Ether. Tuy nhiên, nếu như bạn sử dụng Liquid Staking token để tham gia vào DeFi. Lido Finance là nơi phù hợp nhất để stake ETH vì stETH được chấp nhận ở nhiều nơi và có thanh khoản cao nhất để giảm thiểu rủi ro depeg.
Đối với Protocol
Đối với Protocol, các chỉ số phía trên cũng tương đối quan trọng nhưng chúng không phải là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng. Thay vào đó, Liquid Staking Derivatives protocol nên tập trung vào 4 yếu tố sau:
- Tập trung hoạt động và mở rộng ở các hệ sinh thái có phát triển trong tương lai như Ethereum, BNB Chain, Polygon,…
- Cách dự án tạo ra doanh thu bền vững và chia sẻ doanh thu cho native token.
- Hợp tác để tạo ra tính ứng dụng cho các Liquid Staking token để sử dụng trong các DeFi protocol, từ đó tăng tính năng thanh và vốn hoá của token để giảm rủi ro depeg.
- Trong 3 yếu tố trên, yếu tố cuối cùng là quan trọng nhất có thể thúc đẩy sự thành công của toàn bộ Protocol. Cơ bản nhất, các dự án Liquid Staking cần tạo cặp giao dịch có thanh khoản đủ tốt trên các AMM DEX.
Ví dụ: Lido Finance đa tạo các cặp giao dịch stETH/ETH trên Uniswap v3, Curve. Ngoài ra người dùng cũng có thể trade stETH/Stablecoin trên các sàn Huobi, Gate, MXC. Xa hơn nữa, stETH đã được Aave chấp thuận làm tài sản thế chấp để vay, đây là nền tảng Lending lớn nhất thị trường, cho phép stETH holder có thể tối ưu hoá nguồn vốn của họ.
Đối với Investor
Đối với nhà đầu tư, dưới đây là một yếu tố bạn cần quan tâm song song với các yếu tố phía trên.
- Vốn hoá của dự án: Để định giá vốn hoá của các Liquid Staking Derivatives Protocol, các bạn có thể sử dụng phương pháp định giá theo bội số dựa trên chỉ số TVL/Market Cap.
- Lạm phát token: Đây là yếu tố quan trọng song song với vốn hoá dự án. Các dự án có vốn hoá thấp thường được xem là hidden gem nhưng chúng cũng phải đi kèm với mức lạm phát thấp. Nếu không, giá trị token sẽ khó tăng trưởng khi mức độ lạm phát quá cao.
- Giá trị và quyền lợi của token holder: Đa số các dự án đều chưa chia sẻ doanh thu về cho token holder, vì vậy token chưa nhận được giá trị trực tiếp. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể kì vọng token vẫn tăng giá trị nếu dự án phát triển đúng hướng.
Doanh thu
Ngoài ra, không phải tất cả các token đều đại diện cho mảng Liquid Staking Derivatives như LDO hay RPL. Ví dụ: Frax Finance là dự án Stablecoin, Ankr thuộc mảng Infrastructure, BenQi thuộc mảng Lending,…
Tổng kết
Liquid staking là một xu hướng phát triển cần thiết giúp tối ưu lợi ích của các bên tham gia. Các liquid staking protocol lựa chọn được hệ sinh thái phù hợp để phát triển và có hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ sẽ có lợi thế lớn trong xu hướng tất yếu này.
Nguồn: Coin98